Bài học về PC HIV > Bài 2: Các biện pháp cơ bản phòng tránh lây nhiễm HIV >

Câu chuyện giữa Mạnh với bác sĩ tại cơ sở y tế

Tư vấn sau xét nghiệm HIV dương tính

Chúng ta quay lại câu chuyện nhiễm HIV của Mạnh - bạn thân Thắng. Sau khi nhận được kết quả HIV dương tính, Mạnh đã được bác sĩ tư vấn về lợi ích của điều trị ARV sớm và khuyến khích dẫn bạn tình đi xét nghiệm.

Tại phòng khám: 

Bác sĩ: Theo như kết quả xét nghiệm thì em đã nhiễm HIV. Việc em cần làm lúc này là uống thuốc kháng vi rút (ARV) càng sớm càng tốt. Nếu em đồng ý, chị sẽ chuyển em đến cơ sở điều trị ARV ngay hôm nay.

Mạnh: Liệu em uống thuốc có hết bệnh không ạ?

Bác sĩ: Hiện nay chưa có thuốc điều trị nào có thể loại bỏ hoàn toàn vi rút HIV ra khỏi cơ thể, mà chỉ có thuốc ức chế vi rút nhân lên rất hiệu quả và phải duy trì uống thuốc suốt đời. Nếu điều trị sớm và tuân thủ điều trị tốt em có thể sống khỏe mạnh bình thường và phòng lây nhiễm HIV cho người khác. Khi xét nghiệm tải lượng vi rút đạt mức “không phát hiện được trong máu” thì sẽ không làm lây truyền HIV cho người khác qua quan hệ tình dục, hay “K=K” nghĩa là “Không phát hiện = Không lây truyền”.

Mạnh: Nghĩa là nếu không phát hiện được vi rút trong máu thì em sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn gái đúng không bác sĩ?

Bác sĩ: Đúng rồi.

 

- Người nhiễm HIV cần được điều trị trong ngày hoặc càng sớm càng tốt 

- K = K: nghĩa là “KHÔNG PHÁT HIỆN = KHÔNG LÂY TRUYỀN HIV” 

Khuyến khích bạn tình/bạn chích chung đi xét nghiệm HIV

Bác sĩ (tiếp): Theo Luật phòng, chống HIV/AIDS, em cần thông báo kết quả xét nghiệm của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người sống chung như vợ chồng với mình. Nếu hiện tại em và bạn gái có dự định kết hôn với nhau, em cần thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho bạn gái để bạn gái đi xét nghiệm.

Mạnh: Vâng ạ. Em sẽ tìm thời điểm thích hợp để nói chuyện với cô ấy.

 

Tuân thủ điều trị tốt chính là biện pháp dự phòng, tránh lây nhiễm HIV cho người khác.