Câu chuyện giữa Mạnh và bạn gái với bác sĩ tại cơ sở y tế
Điều trị dự phòng HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV)
Sau 1 tuần, Mạnh đã dẫn bạn gái đến phòng khám để tư vấn làm xét nghiệm HIV. Kết quả xét nghiệm HIV của bạn gái là âm tính. Mạnh và bạn gái được bác sĩ tư vấn về các biện pháp phòng lây nhiễm HIV.
Tại phòng khám,
Bác sĩ: Sau một tuần uống thuốc, em cảm thấy trong người như thế nào?
Mạnh: Em chỉ hơi mệt một chút thôi ạ.
Bác sĩ: Tốt rồi. Em cố gắng uống thuốc đều đặn, đúng giờ. Nếu có bất kì triệu chứng nào, em có thể liên hệ với chị chứ không được tự ý dừng thuốc nhé.
(Bác sĩ nhìn sang bạn gái Mạnh)
Chị đã nhận được kết quả xét nghiệm của em. Hiện tại, kết quả xét nghiệm HIV âm tính, nghĩa là em không nhiễm HIV
Mạnh và bạn gái (vui mừng)
Bác sĩ: Tuy nhiên để phòng lây nhiễm HIV cho em, chị sẽ chuyển em đến dịch vụ PrEP (nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm). PrEP dành cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao như không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục... PrEP có hiệu quả phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục lên đến 97%.
Bạn gái: Liệu em có thể đăng kí PrEP tại đây được không ạ?
Bác sĩ: Được. Chị cần hỏi em một số thông tin trước khi kê đơn thuốc nhé.
Bạn gái: Vâng ạ.
Người chưa nhiễm HIV nhưng có quan hệ tình dục không an toàn cần sử dụng PrEP để dự phòng nhiễm HIV
Thông tin mở rộng
Một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV khác:
- Sàng lọc HIV trong truyền máu và ghép tạng: Có nghĩa là cán bộ y tế có trách nhiệm sàng lọc máu và tạng trước khi truyền hoặc ghép cho người bệnh để đảm bảo không truyền máu và tạng đã nhiễm HIV cho người bệnh.
- Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai cần chủ động đi xét nghiệm HIV để phát hiện sớm và áp dụng biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu bị nhiễm HIV.
- Dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP): là dùng thuốc kháng vi rút (ARV) cho những người bị phơi nhiễm với HIV. Việc điều trị sau phơi nhiễm cần được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ và không muộn hơn 72 giờ sau phơi nhiễm. Và cần uống liên tục, hàng ngày trong vòng 1 tháng theo chỉ định của bác sĩ.
Phải uống thuốc dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt và trước 72h kể từ khi có phơi nhiễm với nguồn lây HIV.